NGẬP LỤT Ở THÀNH PHỐ HÀ GIANG, NGUYÊN NHÂN VÀ CÁC GIẢI PHÁP

Thành phố Hà Giang là một trong những khu vực có nguy cơ cao về lũ, ngập lụt trong khu vực Miền núi phía Bắc. Thành phố thường xuyên bị ngập bởi lũ sông Lô, sông Miện và các trận mưa lớn nội tại, điển hình là trận lũ tháng 9/2014, tháng 6/ 2018 và trận lũ vừa qua vào ngày 20-21/07/2020. Lũ, ngập lụt đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho tỉnh Hà Giang nói chung và thành phố nói riêng. Ngày 03/07/2020, Đề tài “Nghiên cứu đánh giá rủi ro, ngập lụt và đề xuất các giải pháp phòng tránh, thích ứng cho các khu vực tập trung đông dân cư, đô thị vùng miền núi Bắc Bộ”đã tổ chức thành công hội thảo cho khu vực TP Hà Giang. Kết quả nghiên cứu về các nguyên nhân và đề xuất giải pháp phòng chống ngập lụt cho Thành phố được các đại biểu đánh giá cao về tính khoa học và thực tiễn, phù hợp với tình hình của địa phương.

 

 

Trận mưa từ ngày 19/7 đến 21/7 đã làm cho nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Hà Giang bị thiệt hại nặng nề. Tại khu vực xã Thái An, huyện Quản Bạ, mưa lớn đã gây lũ ống kéo theo hàng nghìn m3 đất đá chảy xuống vùi lấp Nhà máy thủy điện Thái An, làm nhà máy phải dừng hoạt động hoàn toàn. Tại TP. Hà Giang, trận mưa đã làm cho gần như toàn bộ các tuyến đường trên địa bàn thành phố bị ngập nặng, một số tuyến quốc lộ bị sạt lở, ùn tắc giao thông cục bộ; làm ngập cả quảng trường 26/3.

Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang, các trạm mưa đo được lượng mưa phổ biến 100-300 mm trong 24 giờ. Riêng tại TP Hà Giang, lượng mưa từ 19h ngày 20/7 đến 19h ngày 21/7 đạt 347 mm. Đây là lượng mưa trong 24 giờ lớn nhất theo số liệu quan trắc từ năm 1961 đến nay trên địa bàn. Mưa to khiến nước thượng lưu sông Lô tại Hà Giang lên nhanh, biên độ lũ lên khoảng 5,8 m, đạt mức 101,37 m (trên báo động II 0,37 m) lúc 10h ngày 21/7. Thiệt hại trong đợt mưa lũ trên toàn bộ tỉnh Hà Giang ước khoảng 80 tỷ đồng (chưa tính đến thiệt hại của 2 nhà máy thủy điện).  Nguyên nhân cơ bản gây ngập lụt ở thành phố được xác định là do mưa lớn tập trung làm cho hệ thống thoát nước không tiêu thoát kịp.

Description: Ngập lụt ở Hà Giang ngày 21/7. Ảnh: Lê Mạnh

Ngập lụt ở Hà Giang ngày 21/7

Ảnh: Lê Mạnh (Nguồn: Internet)

  1. Tình hình ngập lụt ở thành phố những năm gần đây

Theo thống kê 15 năm gần đây, thành phố Hà Giang thường xuyên bị các ngập lụt với 6 năm mực nước lũ trên báo động II, 1 năm trên báo động III là năm 2014.  Mức báo động lũ tại trạm Hà Giang được quy định: (i) Báo động 1: 99m; (ii) Báo động 2: 101m; (iii) Báo động 3: 103m.

  • Trận lũ 4-25/VII/1998: từ ngày 01-04/VII (kéo dài đến 14/VII), tổng lượng mưa từ 200-400mm, riêng Bắc Quang 970mm. Đỉnh lũ tại Hà Giang đạt mức 101,8m vào ngày 26/VII
  • Trận lũ 20-28/VII/2000: Từ ngày 20 -24/VII/2000 trên lưu vực Bắc Bộ có mưa rất to, tập trung vào ngày 21-22/VII, lượng mưa tại Hà Giang đạt 509mm; lượng mưa 1 ngày lớn nhất tại Đao Đức đạt mức lịch sử 366,5 mm vào ngày 23/VII, lượng mưa 3 ngày max đạt hơn 580mm. Mưa lớn đã gây nên trận lũ trên sông Lô với mực nước lớn nhất tại trạm Hà Giang là 102,0m >mức báo động II.
  • Trận lũ 10-30/VIII/2002: Ngày 9 đến 14/VIII, lượng mưa phổ biến từ 100-250mm. Trên hệ thống sông Lô, đỉnh lũ tại trạm Hà Giang là 101,8m vào ngày 10/VIII.
  • Trận lũ 07-15/VIII/2008: Ảnh hưởng của bão số 4, tổng lượng mưa thành phố Hà Giang 250mm. Mưa lớn tập trung trong 2 ngày 08-09/VIII. Mực nước đỉnh lũ tại Hà Giang đo được vào ngày 09/VIII là 102,7m, dưới báo động III là 23cm.
  • Trận lũ 01-10/VII/2009: Từ ngày 30/VI đến 8/VII mưa to, ngày 04/VII -200mm, lũ tại Hà Giang 102,5m vào ngày 04/VII (dưới mức báo động 3 là 0,47m), đỉnh lũ lên nhanh, cường suất lũ lớn đã gây thiệt hại nặng nề cho thị xã Hà Giang.
  • Trận lũ 16-22/IX/2014: Từ ngày 16 tới 22/IX có 2 đợt mưa lớn diện rộng. Lượng mưa khoảng 100-200mm. Đợt 2 từ ngày 20-22/IX. Đỉnh lũ tại Hà Giang (18/IX) 103,5m, trên mức báo động 3 là 46cm.
  • Trận lũ 24/VIII-02/IX/2017: Từ ngày 23 tới 25/VIII, lượng mưa từ 50-150mm, TP Hà Giang là 180,5mm. Đợt 2 từ ngày 29 tới 30/VIII mưa 200-250mm. Mực nước đỉnh lũ tại trạm Hà Giang đạt đỉnh 101,6m.
  • Trận lũ 22-26/VI/2018: Từ ngày 23/6 -26/6 lượng mưa tại TP Hà Giang là 311,5mm. Mực nước trên sông tại Hà Giang đạt đỉnh lúc 19h ngày 24/6/2018 là 102,84m 3; Qxả 1269,28m3/s; Thủy điện Sông Miện 5, H= 159m, Q=1300m3/s; TĐ Sông Miện 5A, Sông Miện 6 đã vận hành kéo toàn bộ cánh van phẳng để xả lũ thượng nguồn giảm áp lực và an toàn cho hệ thống đập và nhà máy; (ii) TĐ Sông Lô 2, Sông Lô 4 cũng thực hiện kéo toàn bộ hệ thống cánh van phẳng để xả lũ giảm áp cho khu vực thành phố Hà Giang theo yêu cầu. Tuy mực nước lũ ngoài sông không quá lớn
  1. Nguyên nhân gây ngập lụt

Hai nguyên nhân cơ bản gây nên ngập lụt thành phố Hà Giang đó là do lũ lớn từ thượng nguồn và mưa lớn nội tại.

Mặc dù mực nước lũ các đợt lũ năm như 22-26/VI/2018 hay trận lũ 19-21/7/2020 vừa qua có mực nước lũ trên sông Lô chưa đến mức báo động III và không lớn bằng trận lũ 16-22/IX/2014 tuy nhiên mức độ ngập lụt và thiệt hại lớn hơn năm 2014 khá nhiều. Qua thực tiễn đó cho thấy thấy nguyên nhân ngập lụt ở các trận lũ gần đây tập trung ở lũ nội tại phát sinh trên địa bàn. Gia tăng rủi ro do lũ gây ra trên địa bàn thành phố ngày càng cao, điển hình là trận mưa lớn vừa xuất hiện. Nguyên nhân cụ thể:

  • Tác động của biến đổi khí hậu với sự xuất hiện của các trận mưa lớn với xác suất xuất hiện 60 năm, tập trung trong thời gian ngắn vượt quá tần suất thiết kế của hệ thống thoát nước đô thị vốn được thiết kế với tần suất 10%.
  • Rừng, thảm phủ suy giảm và địa hình dốc gây nên tình trạng lũ tập trung nhanh, mô số dòng chảy lũ lớn và kèm theo đó là sự xuất hiện của lũ ống, lũ quyét với sức tàn phá rất lớn.
  • Phát triển đô thị tác động đến không gian thoát nước sông, suối, các trục tiêu thoát trong thành phố. Các trục tiêu thoát nước không những không được mở rộng mà còn bị xuống cấp và co hẹp theo thời gian.
  1. Đề xuất các giải pháp phòng, chống lũ cho thành phố Hà Giang

Khu vực thành phố Hà Giang khá sát biên giới, độ dốc lưu vực lớn, lũ tập trung nhanh và không có khả năng xây dựng các hồ chứa cắt lũ, do đó giải pháp phòng chống lũ cho thành phố đề xuất như sau:

  1. Trồng, bảo vệ rừng nâng cao độ che phủ và chất lượng rừng để tăng khả năng điều tiết nước, giảm dòng chảy lũ, giảm lũ quyét, lũ ống là giải pháp căn cơ và bền vững nhất cần ưu tiên.
  2. Quản lý xây dựng và bảo vệ không gian dành để thoát lũ, phạm vi bảo vệ của các sông, suối, hệ thống kênh, cống thoát nước. Khẩn trương quy hoạch, cải tạo, nâng cấp lại toàn bộ hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố.
  3. Nâng cao chất lượng công tác cảnh báo, dự báo về khí tượng, thủy văn trên lưu vực sông; Hợp tác quốc tế để có thông tin xả lũ từ Trung Quốc trên sông Lô và sông Miện.
  4. Nghiên cứu hoàn thiện quy trình và Quy chế phối hợp của các nhà máy thủy điện; Nghiêm túc thực hiện các quy trình và quy chế đã được phê duyệt tránh các tác động lũ chồng lũ do vận hành của các nhà máy thủy điện.
  5. Khu vực thành phố Hà Giang khá sát biên giới, độ dốc lưu vực lớn và không có khả năng xây dựng các hồ chứa cắt lũ, do đó giải pháp ứng phó quan trọng nhất chính là xây dựng các kịch bản để ứng phó trên cơ sở các dự báo ngập lụt (bản đồ ngập lụt) theo các cấp độ rủi ro và tần suất xuất hiện lũ.
  6. Xây dựng bản đồ ngập lụt, lập kế hoạch ứng phó, sẵn sàng vật tư, phương tiện theo phương châm 4 tại chỗ chủ động trong công tác phòng chống lũ.
  1. Nghiên cứu xây dựng bản đồ ngập lụt, dự báo rủi ro do ngập lụt trên địa bàn thành phố

Bằng công nghệ viễn thám và công cụ mô hình toán thủy lực 2 chiều MIKE FLOOD, Đề tài đã xây dựng bản đồ ngập lụt 5 kịch bản với tần suất lũ 0,5%, 1%, 2%, 5%, 10%. Trên cơ sở độ ngập sâu, diện tích ngập của các khu vực cũng như hiện trạng cơ sở hạ tầng, dân cư và sản xuất trong khu vực ngập, sử dụng mô hình phân tích kinh tế lũ HEC-FDA dự báo thiệt hại và rủi ro của các kịch bản.

 

 

Rủi ro do lũ gây ra tương ứng với các tần suất xuất hiện lũ

TT

Kịch bản

H Hà Giang (m)

F ngập (ha)

Số hộ ngập (hộ)

Số hộ cần di dời (hộ)

F lúa, màu ngập (ha)

Thiệt hại (1000 USD)

1

Lũ 0,5%

107,67

765 

6746

4434

323

1384

2

Lũ 1%

106,5

 695

6292 

3394

293

1066

3

Lũ 2%

105,42

 599

5400

1624

257

862

4

Lũ 5%

104,04

 354

2007 

412

181

373

5

Lũ 10% (BĐ3)

103,09

 228

900

182

127

217

Bản đồ ngập lụt theo các kịch bản, các số liệu về số hộ bị ngập, cần di dời, diện tích ngập và thiệt hại kinh tế của từng kịch bản có thể cung cấp thông tin, cảnh báo cho người dân, các nhà quản lý và cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn thành phố.

Dựa vào thông tin trên, thành phố có thể xây dựng các phương án ứng phó với lũ lớn nhằm chủ động hơn trong công tác phòng chống lũ.

  1. Kết luận và kiến nghị

Tương tự như các khu vực ở miền núi khác, thành phố Hà Giang cần chủ yếu dựa vào các giải pháp phi công trình như (i) tăng cường dự báo cảnh báo, (ii) vận hành nhà máy thủy điện khoa học, (iii) xây dựng phương án ứng phó phù hợp và phản ứng nhanh, (iv) quản lý đô thị và hệ thống thoát nước để giảm thiểu thiệt hại do lũ gây ra. Giải pháp trồng và bảo vệ rừng là giải pháp có tính bền vững và hiệu qủa cần được ưu tiên. Bên cạnh đó, việc cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước của thành phố cũng là hạng mục cần ưu tiên đầu tư của tỉnh Hà Giang trong giai đoạn tới.

 

 

 

 

 

 

about-star