Trao đổi kinh nghiệm quản lý lưu vực sông giữa hai giáo sư đại học bách khoa valencia và văn phòng ban qlqhlv sông hồng – thái bình

Tiếp sau chuyến tham quan học tập của đoàn các lưu vực sông châu Á đến Tây Ban Nha, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức chuyến tham quan nghiên cứu lưu vực sông tại Philippines, Indonesia và Việt Nam cho hai giáo sư Joaquin Andreu Alvarez và Javier Paredes Arquiola của trường Đại học Bách Khoa Valencia (Tây Ban Nha)

Tiếp sau chuyến tham quan học tập của đoàn các lưu vực sông châu Á đến Tây Ban Nha, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức chuyến tham quan nghiên cứu lưu vực sông tại Philippines, Indonesia và Việt Nam cho hai giáo sư Joaquin Andreu Alvarez và Javier Paredes Arquiola của trường Đại học Bách Khoa Valencia (Tây Ban Nha). Chuyến thăm tới Việt Nam của hai giáo sư do ADB phối hợp với Viện Quy hoạch Thủy lợi (Văn phòng Ban QLQHLV sông Hồng-Thái Bình) tổ chức từ ngày 20 đến 23 tháng 10 năm 2010 nhằm chia sẻ kinh nghiệm quản lý nguồn nước ở lưu vực sông và tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa hai bên.

 

Trong thời gian đoàn công tác tại Việt Nam, hai giáo sư đã tham quan tiểu lưu vực sông Cầu và làm việc với Tiểu Ban QLQHLV sông Cầu để tìm hiểu thực tế công tác khai thác, quản lý và bảo vệ nguồn nước ở Việt Nam nói chung và ở lưu vực sông Hồng-Thái Bình nói riêng. Hai giáo sư cũng đã có buổi hội thảo chuyên đề chia sẻ kinh nghiệm quản lý tài nguyên nước và quản lý lưu vực sông ở Tây Ban Nha.

Tại hội thảo, hai giáo sư đã có những chia sẻ thắng thắn và hữu ích về những nỗ lực và bài học của Tây Ban Nha trong quá trình phát triển, quản lý và bảo vệ tài nguyên nước để khắc phục những khó khăn về nguồn nước của một đất nước bán khô hạn đến đáp ứng đủ nguồn nước cho dân sinh, kinh tế và môi trường. Hai giáo sư cũng giới thiệu công cụ hỗ trợ ra quyết định trong quy hoạch và quản lý tài nguyên nước, AQUATOOL, đây là công cụ do các giáo sư ở trường Đại học bách khoa Valencia phát triển, được ứng dụng ở hầu hết các lưu vực sông ở Tây Ban Nha và đã chứng tỏ là công cụ rất hữu ích.

 

Nhận xét chung của hai giáo sư qua chuyến tham quan các lưu vực sông ở Đông Nam Á như sau:

Các chuyến tham quan, làm việc, hội thảo và đi thực địa là cơ hội rất tốt để chúng tôi hiểu thêm về ba nước ở Đông Nam Á, các lưu vực sông và nguồn nước tại đó. Đặc biệt, chúng tôi rất ngạc nhiên là mặc dù Philippines, Indonesia và Việt Nam có lượng mưa năm cao hơn nhiều so với các lưu vực sông phía Địa Trung Hải của Tây Ban Nha nhưng những vấn đề ở ba nước này cũng tương tự như những vấn đề đã từng xảy ra ở các lưu vực sông vùng Địa Trung Hải của Tây Ban Nha, như thiếu nước để đáp ứng các nhu cầu cạnh tranh, suy thoái chất lượng nước và môi trường và hạn hán, đây là hậu quả của sự biến động về lượng mưa, nhu cầu nước cho nông nghiệp và cấp nước đô thị tăng lên và ô nhiễm nguồn nước sông ngày càng nghiêm trọng.

Ở Tây Ban Nha, để đánh giá tình trạng của các lưu vực sông liên quan đến những vấn đề như trên, các công cụ của các hệ thống hỗ trợ ra quyết định (DSS) giống như Aquatool đã chứng tỏ rất hữu ích trong quy hoạch để đạt được mục tiêu an ninh nước, nước cho tất cả mọi người, nước sạch, nước cho môi trường và nước cho phát triển kinh tế. Các DSS này có khả năng đánh giá hiện trang của một hệ thống nguồn nước  sử dụng các chỉ số khách quan, đáng tin cậy và dễ tiếp cận và kiểm tra tính hiệu quả của các biện pháp đề xuất khi giải quyết các vấn đề và tạo ra quản lý tài nguyên nước bền vững phù hợp với những mục tiêu nếu trên. Các DSS này cũng rất hữu ích trong việc giải quyết mâu thuẫn nước dưới nhiều dạng thức khác nhau, kể cả tranh chấp trong khu vực (ở Tây Ban Nha những tranh chấp này tương tự như những tranh chấp quốc tế) và đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với các hệ thống nguồn nước. Trên thực tế, các công cụ này đã được sử dụng rộng rãi ở các cơ quan lưu vực sông ở Tây Ban Nha từ những năm 1990 để tạo ra hai thế hệ Quy hoạch nước lưu vực sông; thế hệ thứ nhất trong các Quy hoạch được hoàn thiện năm 1998 và thế hệ thứ hai trong các quy hoạch được hoàn thiện năm 2010 trong phạm vi Chỉ thị Khung về nước của châu Âu. Các DSS này cũng rất hữu ích trong việc kết nối giữa quy hoạch và quản lý thời gian thực và thiết kế quy trình vận hành cho các hệ thống nguồn nước.

Các cơ quan lưu vực liên vùng (từ năm 1926) của Tây Ban Nha có nhiều kinh nghiệm về quản lý nước, bảo tồn nước, xử lý nước thải (ở lưu vực sông Jucar 99% nước thải được xử lý), tái sử dụng nước thải (cũng ở lưu vực sông Jucar 75% nước thải sau xử lý được tái sử dụng), sử dụng kết hợp nước mặt và nước ngầm, khử mặn nước biển (công suất lắp đặt hiện nay ở Tây Ban Nha là 3,5 triệu m3/ngày), quy hoạch phòng, chống hạn (tất cả các lưu vực sông ở Tây Ban Nha đều có quy hoạch này) và giải quyết mâu thuẫn có sự tham gia. Những kinh nghiệm này có thể là nguồn tham khảo để tìm ra giải pháp cho những vấn đề về nước ở ba nước Đông Nam Á nói trên cũng như ở nhiều nước khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Có thể tham khảo cả các công cụ được dùng để thiết kế QLTHTNN.

Mặt khác, các vấn đề về lũ lụt không thuộc phạm vi của các DSS Aquatool và phải được nghiên cứu với các mô hình riêng. Tại IIAMA-UPV, Bộ phận Nghiên cứu ứng dụng đã xây dựng nhiều phương pháp luận và mô hình góp phần tính toán và lập bản đồ rủi ro lũ lụt và quy hoạch và quản lý lũ ở vùng Địa Trung Hải, đây là vùng thường bị lũ quét. Nhiều mô hình rất chi tiết của những vấn đề cụ thể (ví dụ mô hình chi tiết cho vùng châu thổ) cũng không thuộc phạm vi của DSS này. Ví dụ, con sông lớn nhất ở Tây Ban Nha, sông Ebro (có diện tích lưu vực 85,500 km2) có vùng đồng bằng châu thổ và đối với lưu vực này có mô hình lưu vực cho quy hoạch và quản lý tổng hợp tài nguyên nước và có nhiều mô hình riêng để giải quyết những vấn đề cụ thể của châu thổ.

 

Trong chuyến công tác tại các nước Đông Nam Á lần này chúng tôi thấy nhiều cơ quan lập mô hình về một số vấn đề nào đó (ví dụ, chất lượng nước trong một hồ chứa) sử dụng nhiều mô hình phức tạp đòi hỏi nhiều số liệu không sẵn có cả trong giai đoạn lập mô hình và hiệu chỉnh, kiểm định mô hình. Do đó họ gặp nhiều khó khăn để đạt được kết quả có ý nghĩa và kết quả thường không chắc chắn nên chúng tôi đã kiến nghị nhiều mô hình phù hợp hơn cho những trường hợp đó. Chúng tôi cũng thấy có những trường hợp người sử dụng các DSS than phiền rằng không bao giờ có giải pháp tối ưu cho quy hoạch và quản lý tổng hợp tài nguyên nước đối với khung ra quyết định đa mục tiêu và đa ngành. Cái cần thiết ở đây là những công cụ giúp cung cấp thông tin cho những người ra quyết định và các bên liên quan về sự thỏa hiệp giữa nhiều mục tiêu và đánh giá rủi ro cố hữu của các quyết định đó. Chúng tôi thấy rằng về khía cạnh này, DSS chúng tôi đang sử dụng khá tốt và đã chứng tỏ có tiềm năng giúp quá trình ra quyết định trong giải quyết mâu thuẫn có sự tham gia vì chúng tạo ra quan điểm chung được chia sẻ về các hệ thống nguồn nước, giúp duy trì các cuộc tranh luận tại chỗ về những vấn đề quan trọng hơn là về các khía cạnh kỹ thuật.

Do đó, chúng tôi thấy có nhiều lĩnh vực có tiềm năng hợp tác giữa trường Đại học Bách Khoa Valencia và các nước Đông Nam Á, trong đó có những lĩnh vực sau:

- Các khóa đào tạo ngắn hạn về phương pháp luận và kỹ thuật, kể cả phát triển DSS ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trường Đại học Bách khoa Valencia có nhiều kinh nghiệm hướng dẫn cán bộ kỹ thuật ở các cơ quan lưu vực sông của Tây Ban Nha và một số cơ quan ở các nước khác như Mê hi cô, Brazil, Argentina, Cuba, Chile, Algeria, Bosnia, và Cyprus.

- Hỗ trợ kỹ thuật trong phát triển DSS để thẩm định và nghiên cứu các hệ thống nguồn nước, theo kinh nghiệm của phía Tây Ban Nha việc này có thể thực hiện trong thời gian ngắn nếu sử dụng các DSS. Trường Đại học Bách khoa Valencia đã có nhiều kinh nghiệm trong việc này với các cơ quan lưu vực sông ở Tây Ban Nha và với nhiều cơ quan khác ở Tây Ban Nha và trên thế giới.

- Tiếp đón các sinh viên sau đại học hoặc cán bộ kỹ thuật quan tâm đến các chuyên ngành đào tạo tại Viện Kỹ thuật Nước và Môi trường của trường Đại học Bách Khoa Valencia, Tây Ban Nha. Viện đã đón nhận nhiều sinh viên và thực tập sinh cho các thời đoạn nghiên cứu khác nhau (kể cả chương trình thạc sĩ và tiến sĩ).

Chuyến công tác lần này của hai giáo sư tại Việt Nam vừa là dịp để trao đổi kinh nghiệm phát triển và quản lý nguồn nước vừa mở ra những tiềm năng hợp tác giữa các cơ quan. Ngoài những đề xuất hợp tác chung dành cho các nước ở Đông Nam Á nói trên, hai giáo sư cũng cho rằng Aquatool có thể là công cụ hữu ích để đánh giá tài nguyên nước ở lưu vực sông Hồng – Thái Bình, kể cả phần lưu vực ở Trung Quốc (ngoại trừ phần châu thổ sông Hồng) để có cái nhìn khái quát về lưu vực và khả năng áp dụng quản lý tổng hợp tài nguyên nước ở lưu vực.

Văn phòng Ban QLQHLV sông Hồng – Thái Bình

about-star