RÀ SOÁT QUY HOẠCH PHÒNG CHỐNG LŨ VÀ ĐÊ ĐIỀU SÔNG ĐÁY

Nằm ở hữu ngạn sông Hồng, sông Đáy dài 240 km có cửa vào tại Hát Môn trên sông Hồng, trước kia sông Đáy trực tiếp chuyển nước sông Hồng ra biển qua cửa Như Tân. Từ năm 1937 đã xây dựng đập Đáy, phân lũ sông Hồng vào sông Đáy bảo vệ cho thủ đô Hà Nội và vùng hạ du trong trường hợp những năm có lũ lớn như trận lũ tháng 8/1945 và tháng 8/1971

Nằm ở hữu ngạn sông Hồng, sông Đáy dài 240 km có cửa vào tại Hát Môn trên sông Hồng, trước kia sông Đáy trực tiếp chuyển nước sông Hồng ra biển qua cửa Như Tân. Từ năm 1937 đã xây dựng đập Đáy, phân lũ sông Hồng vào sông Đáy bảo vệ cho thủ đô Hà Nội và vùng hạ du trong trường hợp những năm có lũ lớn như trận lũ tháng 8/1945 và tháng 8/1971. Sau trận lũ 1971, đập Đáy được cải tạo lại nhằm đảm bảo lưu lượng phân lũ qua công trình tối đa là 5000 m3/s. Tuy nhiên, theo nghiên cứu năm 2002 của một số cơ quan khoa học, khả năng phân lũ qua đập Đáy hiện nay khoảng 2800-4000 m3/s.

Trong nhiều năm qua, các cơ quan nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp và PTNT và các Bộ, ngành liên quan đã tiến hành nhiều nghiên cứu đánh giá khả năng thoát lũ của hệ thống sông Đáy và các nghiên cứu, dự án về vấn đề môi trường, dân sinh kinh tế vùng bị ảnh hưởng trong lưu vực. Tuy nhiên, trước những thay đổi quan trọng như: mở rộng thành phố Hà Nội bao gồm cả các vùng phân lũ, vùng chậm lũ của Hà Tây (cũ); xây dựng các hồ chứa lớn trên thượng nguồn tham gia cắt lũ; phát triển kinh tế xã hội trong các vùng bị ảnh hưởng khi phân lũ sông Đáy thì việc xem xét, đánh giá và đề xuất các kịch bản quy hoạch phòng chống lũ và đê điều trong các trường hợp sử dụng sông Đáy làm cầu chì bảo vệ cho thủ đô Hà Nội là hết sức cần thiết.

1. Mục tiêu

- Đánh giá khả năng thoát lũ và chống lũ của hệ thống sông Đáy.

- Xem xét việc xóa các khu chậm lũ Chương Mỹ, Mỹ Đức, Hữu Đáy thuộc Hà Nam.

- Đề xuất các giải pháp phòng chống lũ và đê điều cho vùng nghiên cứu phù hợp với tình hình phát triển mới của nền kinh tế, xã hội và môi trường trên lưu vực sông Đáy.

2. Nhiệm vụ nghiên cứu:

* Phân tích đánh giá hiện trạng công trình phòng chống lũ trên hệ thống sông Đáy.

* Xác định lũ thiết kế của các tuyến sông thuộc hệ thống sông Đáy gồm lưu lượng lũ thiết kế và mực nước lũ thiết kế trong 2 trường hợp chống lũ nội tại và chống lũ khi có phân lũ.

* Xác định các giải pháp phòng chống lũ (công trình, phi công trình) phòng chông lũ cho hệ thống sông Đáy.

* Xác định tuyến thoát lũ cho các sông trong hệ thống, nhiệm vụ của các tuyến đê và các thông số kỹ thuật của các tuyến đê và quy mô của các công trình đầu mối hạ tầng trên tuyến đê.

* Xác định diện tích đất dành để xây dựng, tu bổ, nâng cấp và kiên cố hóa đê điều.

* Ước tính kinh phí đầu tư, phân tích hiệu quả kinh tế và đánh giá tác động môi trường của các phương án phòng chống lũ và đê điều.

3. Phương án chọn quy hoạch phòng chống lũ sông Đáy: Lăn đê tả, hữu Đáy từ Cẩm Đình đến Ba Thá với khoảng cách giữa 2 đê khoảng 500 m. Xây mới công trình phân lũ với lưu lượng thiết kế 2500 m3/s để thay thế Đập Đáy, tràn, cống và lòng hồ Vân Cốc. Nạo vét, mở rộng lòng dẫn sông Đáy với bề rộng B=150 m. Hệ thống sau khi cải tạo được sử dụng để đưa nước thường xuyên vào sông Đáy trong cả mùa lũ và mùa kiệt. Với lưu lượng mùa kiệt từ 36-106 m3/s, lưu lượng tối đa mùa lũ là 800 m3/s.

Cải tạo hệ thống sông Đáy theo phương án chọn

 

Tuyến đê lăn mới từ Cẩm Đình đến Ba Thá có thể chia thành 3 đoạn: đoạn 1 từ Cẩm Đình đến đường Láng – Hòa Lạc tuyến đê hữu Đáy mới cơ bản đi theo tuyến đê hữu Đáy cũ, tuyến đê tả Đáy được dịch chuyển song song với tuyến đê hữu Đáy với khoảng cách giữa 2 đê khoảng 500 m. Đoạn 2 từ đường Láng Hòa Lạc đến xã Kim An, Thanh Oai (cách Ba Thá khoảng 8 km) tuyến đê tả Đáy mới cơ bản đi theo tuyến đê tả Đáy hiện nay, tuyến đê hữu Đáy được dịch chuyển song song với tuyến tả Đáy với khoảng cách khoảng 500 m. Đoạn 3 từ Kim An đến Ba Thá cả tuyến đê tả Đáy và hữu Đáy cũ được bảo tồn. Như vậy, việc lăn đê sông Đáy từ Cẩm Đình đến Ba Thá thực chất là chỉ dịch chuyển trong 2 tuyến đê tả hoặc hữu Đáy, tuyến còn lại gần như được bảo tồn.

Với việc lăn đê sông Đáy từ Cẩm Đình đến Ba Thá thì diện tích ngập lụt sau khi cải tạo sông Đáy chỉ còn 2.289 ha nằm trong phạm vi 2 đê mới. Số hộ dân phải di dời trong 2 trường hợp của phương án 3 là 4.050 hộ ít hơn rất nhiều so với phương án 1 và 2.

Với trường hợp phân lũ 2000 m3/s thì đê tả Đáy đoạn từ sau Ba Thá đến Biển hiện tại đã đảm bảo cao trình chống lũ, đê hữu Đáy cần nâng cấp đoạn từ Ba Thá đến Phủ Lý dài khoảng 60km, với độ gia tăng từ 50-70cm.

Mực nước thiết kế đê trên sông Hoàng Long tại Bến Đế là 6,1m và tại Gián Khẩu là 5,0 m. Trong tất cả các trường hợp của 3 phương án phân lũ từ sông Hồng vào sông Đáy với lưu lượng tối đa 2.000 m3/s thì mực nước tại Bến Đế và Gián Khẩu trên sông Hoàng Long đều thấp hơn mực nước thiết kế đê hiện tại. Cụ thể: mực nước tại Bến Đế là 5,32 m, Gián Khẩu là 4,22 m.

Kinh phí đầu tư cho từng hạng mục của từng phương án được thể hiện trong bảng sau:

 

TT

Hạng mục

Kinh phí (tỷ đồng)

1

Cải tạo lòng dẫn sông Đáy

8.651,2

2

Tôn cao đê

2.875,3

3

Xây dựng công trình phân lũ mới

4.014,1

4

Đền bù đất ở vùng bị ngập lụt

3.079,4

5

Đền bù di dân tái định cư

810,0

 

Tổng kinh phí

19.430,0

 

 

4. Kết luận

Từ số liệu điều tra, thống kê đã cho thấy hiện nay cơ sở hạ tầng, dân sinh kinh tế trong các vùng phân chậm lũ Chương Mỹ, Mỹ Đức, hữu Đáy thuộc Hà Nam và cả khu vực vùng bãi sông Đáy đã rất phát triển. Việc xóa bỏ các khu chậm lũ trên là cần thiết để bảo vệ cho 10.500 ha vùng lòng hồ Vân Cốc và bãi dọc sông Đáy (từ hạ lưu Đập Đáy đến Mai Lĩnh), 36.547 ha đất tự nhiên của 2 huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức (Chương Mỹ 14.027 ha, Mỹ Đức 22.519 ha), bảo vệ được vùng hữu Đáy của huyện Hà Nam.

Qua tính toán, phân tích đề nghị chọn phương án duy trì phân lũ từ sông Hồng vào sông Đáy khi lũ vượt mức thiết kế. Lưu lượng phân lũ tối đa là 2.500 m3/s. Với lũ 500 năm có hồ chứa cắt lũ kết hợp phân lũ vào sông Đáy sẽ giữ mực nước tại Hà Nội 13,1 m; với lũ 700 năm có hồ chứa cắt lũ kết hợp phân lũ vào sông Đáy sẽ giữ mực nước tại Hà Nội 13,4 m.

Các giải pháp phòng chống lũ cho hệ thống sông Đáy như sau:

- Xây dựng cống đầu mối phân lũ mới để thay thế Đập Đáy sẽ tại Cẩm Đình (bên cạnh cống lấy nước mùa kiệt). Cống mới có thể phân lũ từ sông Hồng vào sông Đáy với Qmax = 2.500 m3/s.

- Cải tạo kênh dẫn đi theo tuyến Cẩm Đình - Hiệp Thuận với bề rộng B = 150 m, đáy đầu kênh ở cao trình +2,0 m và cuối kênh là +1,0 m. Hai tuyến đê dọc theo kênh dẫn có khoảng cách khoảng 500 m, như vậy sẽ bảo vệ được khoảng 2.500 ha vùng lòng hồ Vân Cốc.

- Cải tạo và kênh hoá sông Đáy đoạn từ Đập Đáy đến Ba Thá với bề rộng B = 150 m, Zđáy tại hạ lưu đập Đáy +1,0 m; Zđáy tại Ba Thá -2,50 m. Lăn đê sông Đáy từ Đập Đáy đến Ba Thá với khoảng cách giữa hai đê khoảng 500m, như vậy sẽ bảo vệ được khoảng 7.000 ha vùng đất bãi sông Đáy.

- Cải tạo, xây mới các công trình tưới tiêu dọc đê sông Đáy từ Đập Đáy đến Ba Thá.

- Nạo vét sông Đáy từ Ba Thá đến biển với Bđáy = 150 m, Zđáy tại Ba Thá -2,50 m; Zđáy tại Gián Khẩu -6,50 m; Zđáy tại cửa biển -8,00 m.

- Lên đê bảo vệ không cho ngập vùng Chương Mỹ, Mỹ Đức và Kim Bảng thuộc tỉnh Hà Nam.

- Hệ thống sông Đáy sau khi cải tạo sẽ được sử dụng để đưa nước thường xuyên từ sông Hồng vào sông Đáy với lưu lượng mùa kiệt từ 36-106 m3/s, lưu lượng tối đa mùa lũ là 800 m3/s.

TS. Lê Viết Sơn

Phó trưởng phòng Quy hoạch Bắc Bộ - Viện Quy hoạch Thủy lợi

about-star