Bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước ở miền núi

Các tỉnh miền núi Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ có hệ thống đập, hồ thủy lợi khá lớn. Đây là những công trình đa dụng; phục vụ sản xuất nông nghiệp, bảo đảm ngăn, thoát lũ và từng bước góp phần phát triển du lịch. Tuy nhiên, nhiều công trình do xây dựng lâu năm nên đã hư hỏng, xuống cấp, chưa được sửa chữa, nâng cấp hoặc sửa chữa, nâng cấp không đồng bộ ảnh hưởng đến an toàn hồ chứa, hạn chế chức năng tưới, tiêu...

Tỉnh Tuyên Quang có 374 công trình hồ chứa và 29 đập dâng nước. Tỉnh Yên Bái có 186 công trình hồ chứa nước, trong đó 133 hồ chứa có dung tích từ 50 nghìn m3 trở lên. Tỉnh Phú Thọ hiện có 365 công trình đập, hồ chứa nước có chiều cao đập từ 5m trở lên. Phần lớn các hồ chứa này được xây dựng cách đây từ 20 đến 30 năm, kết cấu bằng đất, chịu tác động của nhiều trận mưa, lũ nên đập dâng, tràn xả lũ, cống lấy nước bị xuống cấp, lòng hồ bị bồi lắng.

Nhiều hồ, đập xuống cấp và bị xâm hại

Hiện nay toàn tỉnh Tuyên Quang có 75/374 công trình đập, hồ chứa thủy lợi bị hư hỏng và có nguy cơ mất an toàn, bao gồm: 42 công trình bị hư hỏng, xuống cấp phải tích nước hạn chế, trong đó có 20 công trình đã được bố trí kinh phí để sửa chữa, nâng cấp (12 công trình đang triển khai thi công, tám công trình đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để chuẩn bị thi công và 22 công trình chưa có nguồn vốn sửa chữa, nâng cấp); 33 công trình đập, hồ chứa vừa và nhỏ bị hư hỏng, xuống cấp dù vẫn đủ điều kiện tích nước nhưng chưa có nguồn vốn sửa chữa, nâng cấp.

Qua kiểm tra, ở nhiều công trình có tình trạng lấn chiếm phạm vi bảo vệ công trình để trồng cây cối, rau màu, xây dựng chuồng trại chăn nuôi thuộc khu vực lòng hồ, mái đập, làm rào đăng chắn cá trước cửa tràn xả lũ như: Búc Đăm (xã Hòa Phú), Bó Tấu, Giang Thìn (xã Yên Nguyên) huyện Chiêm Hóa; Thôm Mấu, Phai Nà (thị trấn Na Hang), Nà Heng (xã Năng Khả), huyện Na Hang; Xã Nội (xã Đội Cấn), Cây Kháo (xã Thái Long) thành phố Tuyên Quang. Tại tỉnh Phú Thọ, qua kiểm tra hiện trạng công trình trước mùa mưa lũ cũng phát hiện 85 hồ, đập hư hỏng như sạt trượt mái đập, thấm mái đập, vai đập, hư hỏng cống và tràn xả lũ có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão. Các địa phương có công trình hồ, đập bị hư hỏng nhiều là: huyện Hạ Hòa 22 công trình, Yên Lập 15, Thanh Sơn 14, Tân Sơn 10... Đáng chú ý có một số hồ đang có nguy cơ gây mất an toàn là hồ Tải Giang, Đá Mài, Khoang Tải (huyện Thanh Sơn); Suối Rồng, Phượng Mao (huyện Thanh Thủy); Trầm Sắt (huyện Thanh Ba); Suối Đẫu (Đoan Hùng), hồ Dộc Giang, hồ Kén (huyện Yên Lập), hồ Đá Trắng, hồ Đát Đội, hồ Khán Thanh (huyện Cẩm Khê)… Các hồ, đập này có dung tích từ hơn 425 nghìn m³ đến 1,6 triệu m³ nước cung cấp nước tưới cho hàng nghìn ha đất nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện các hồ trên có hiện tượng mái đập đất hạ lưu vị trí cống đang bị sụt lún tạo thành hố sâu; khớp nối cống lấy nước dưới đập bị hở, không đóng được van hạ lưu để tích nước; có hồ bị sụt lún thành hố sâu; mặt đỉnh đập bằng bê-tông xuất hiện vết nứt, chân mái hạ lưu bị dầm thấm, có vị trí nước chảy tập trung…

Chi cục trưởng Thủy lợi tỉnh Phú Thọ Lâm Việt Tuấn cho biết, hệ thống các hồ phân bố trên địa bàn rộng, trong khi các hồ chứa nhỏ đều được xây dựng từ những năm 70-80 của thế kỷ trước trong điều kiện kinh tế khó khăn, việc khảo sát, thiết kế và thi công còn hạn chế. Đến nay, phần lớn các hồ đập xuống cấp, nhiều công trình giao cho các hợp tác xã làm dịch vụ thủy lợi tại các địa phương nhưng năng lực quản lý còn hạn chế, chưa đáp ứng được quy định về năng lực tối thiểu đối với các tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa. Nhiều đơn vị quản lý, vận hành chưa định kỳ kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình đập, hồ chứa; không giải phóng bờ chắn trước tràn xả lũ; dẫn đến tình trạng xây dựng chuồng trại chăn nuôi và xả nước trái phép vào công trình thủy lợi, đổ đất lấn chiếm hành lang đập và lòng hồ.

Nhiều công trình thủy lợi ở tỉnh Yên Bái cũng đang bị xâm hại. Xảy ra tình trạng này là do việc phân cấp quản lý chưa triệt để giữa chính quyền địa phương với ngành chức năng nên xảy ra chồng lấn trên cùng một đơn vị mặt nước, gây khó khăn trong quản lý, vận hành hồ chứa. Điển hình như đầm Hậu (xã Minh Quân, huyện Trấn Yên), diện tích mặt thoáng 177ha, do làm đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai bị thu hẹp mất 22ha; phần đất ven đầm và các đảo nổi giao cho sân gôn Ngôi Sao Yên Bái quản lý, còn mặt nước do một đơn vị thủy lợi quản lý tưới tiêu và điều tiết lũ, dẫn đến khó khăn trong quản lý vận hành hồ chứa. Gần đây, do nhu cầu phát triển khu công nghiệp và quỹ đất ở, một số hồ nước đã chuyển đổi công năng, bị san lấp để lấy mặt bằng sản xuất, kinh doanh. Điển hình như đầm Mụa hơn 10ha, đầm Sình 10,65ha bị khu công nghiệp phía nam “nuốt chửng”.

Phó Tổng Giám đốc Công ty thủy điện Thác Bà Nguyễn Mạnh Cường cho biết, gần đây tình trạng lấn chiếm làm thu hẹp diện tích hồ chứa diễn ra đáng báo động. Các điểm mỏ khai thác đá tại xã Mông Sơn, huyện Yên Bình, xã An Phú, huyện Lục Yên đã đổ hàng vạn khối đá thải xuống hồ để làm các bến tập kết hàng hóa. Tại xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình một số doanh nghiệp chấp nhận nộp phạt hành chính hàng trăm triệu đồng để san lấp hồ, lấy diện tích làm mặt bằng sản xuất lên tới vài chục ha. Qua đánh giá của đơn vị tư vấn, hồ chứa thủy điện Thác Bà sau 46 năm đi vào hoạt động, thì lượng dung tích bồi lắng khoảng 269 triệu m3 ứng với cao trình bùn cát là 39,9m chỉ còn cách cao trình nước chết 6,1m. Các đập phụ số 17, 18 bị vi phạm nghiêm trọng về vi phạm bảo vệ an toàn hành lang công trình thủy lợi.

Kiểm soát an toàn mùa mưa lũ

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Yên Bái Phạm Quốc Hưng, đến nay tỉnh còn hơn 50 công trình đang bị hư hỏng, cần nâng cấp sửa chữa, với số vốn ước khoảng 200 tỷ đồng. Để kiểm soát an toàn, Yên Bái đã lắp đặt hệ thống giám sát vận hành, thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn cho 28 hồ, đập; lắp đặt thiết bị, hệ thống quan trắc mực nước thấm cho 7/16 hồ; quan trắc đường bão hòa cho 9/16 hồ; thiết bị quan trắc mực nước... Tuy nhiên, cũng chỉ mới thực hiện được ở một số hồ lớn hoặc có nguy cơ mất an toàn cao do thiếu kinh phí. Đây cũng là khó khăn chung của các tỉnh miền núi. Như ở tỉnh Tuyên Quang, hiện có 26 công trình đập, hồ chứa nước lớn chưa được lắp đặt thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du đập theo quy định và 55 công trình đập, hồ chứa nước thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp, có nguy cơ gây mất an toàn chưa được bố trí kinh phí để sửa chữa nâng cấp (hai công trình loại lớn; bảy công trình loại vừa và 46 công trình loại nhỏ). Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ chưa có công trình hồ chứa nào được lắp đặt các thiết bị quan trắc và đo đạc các số liệu khí tượng thủy văn. Việc quan trắc mực nước hồ chứa hằng ngày và theo dõi diễn biến về thấm, rò rỉ nước trong thân đập chủ yếu bằng mắt thường. Điều này dẫn đến việc kiểm soát, theo dõi mực nước tại các hồ chứa không chính xác.

Việc cắm mốc phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa nước cũng là vấn đề cần được quan tâm. Hiện tại tỉnh Yên Bái còn 105 hồ chưa cắm được mốc; tỉnh Tuyên Quang mới chỉ có ba công trình (Ngòi Là 2, An Khê, Hoàng Khai) đã được cắm mốc chỉ giới bảo vệ đập và khu vực lòng hồ theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ. Số còn lại chưa cắm được mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ theo quy định do không bố trí được nguồn kinh phí để thực hiện, nguyên nhân do đa số các công trình được xây dựng từ rất lâu, qua nhiều lần sửa chữa, nâng cấp, đa số không có hồ sơ thiết kế và hồ sơ thu hồi đất nên không có cơ sở để xác định ranh giới đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ công trình nên dẫn đến tình trạng một số công trình bị lấn chiếm phạm vi hành lang bảo vệ.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ Trần Quốc Bình cho biết, để bảo đảm an toàn hồ, đập trong mùa mưa lũ, nhất là đối với các công trình hư hỏng, Sở sẽ cân đối để bố trí kinh phí sửa chữa, khắc phục ngay những hư hỏng lớn, tuyệt đối không tích nước đối với những công trình này. Đồng thời hạ thấp mực nước trong hồ chứa, bảo đảm nhu cầu phục vụ sản xuất và an toàn công trình; tổ chức theo dõi, chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực, phương tiện theo phương châm “bốn tại chỗ”, sẵn sàng ứng phó khi có sự cố.

Trước thực tiễn cấp thiết của việc bảo đảm an toàn hồ, đập thủy lợi, cần sớm có hướng dẫn cụ thể về nội dung, trình tự các bước thực hiện đối với việc lập quy trình bảo trì công trình thủy lợi đang khai thác, lập và lưu trữ hồ sơ công trình, lập phương án ứng phó thiên tai và phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp, lập bản đồ ngập lụt vùng hạ du đập đối với các công trình thủy lợi đang khai thác. Xem xét bố trí kinh phí từ ngân sách trung ương để địa phương chủ động tổ chức thực hiện sửa chữa, nâng cấp công trình đập, hồ chứa nước lớn và vừa đang bị hư hỏng, xuống cấp nặng; Đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi; kiểm tra, rà soát các hành vi vi phạm phạm vi bảo vệ công trình, xử lý nghiêm đối với các vi phạm hành lang bảo vệ an toàn đập, hồ chứa theo quy định.

Thủy điện Văn Chấn (Yên Bái) do mưa lũ sạt lở, bị bồi lấp đất đá cho nên hạn chế khả năng tích nước.

Nguồn: nhandan.vn

about-star
about-star