NCERWASS Bắc Kạn nỗ lực đưa nước sạch về với người dân

Bắc Kạn là một tỉnh miền núi, địa hình hiểm trở, dân cư sống thưa thớt, nhưng nhờ những nỗ lực nhiều năm qua từ chính quyền địa phương, đến nay hầu hết các thôn, bản đều có công trình cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh, góp phần tích cực cải thiện đời sống nhân dân.

Toàn tỉnh Bắc Kạn có 676 công trình nước sạch

Bắc Kạn là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn với 07 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số khoảng 276.284 người chiếm 88% dân số toàn tỉnh. Trong thời gian qua, thực hiện các chính sách của Trung ương, tỉnh Bắc Kạn đã huy động từ nhiều nguồn vốn để hỗ trợ các chương trình nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn như: vốn Chương trình MTQG nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn; chương trình 134; 135; Hội chữ thập đỏ; Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” vay vốn Ngân hàng Thế giới…

Qua đó, góp phần giải quyết một phần tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho các hộ dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, cải thiện điều kiện nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khỏe cho người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn nói chung.

Cụ thể, theo báo cáo số 24/BC-TTN ngày 18/4/2022 của Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bắc Kạn (NCERWASS Bắc Kạn), từ năm 2016 đến cuối năm 2021 từ nhiều nguồn vốn khác nhau, toàn tỉnh Bắc Kạn có 676 công trình do nhiều chủ đầu tư thực hiện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (11 công trình); NCERWASS Bắc Kạn (361 công trình); cấp huyện, cấp xã (304 công trình) với năng lực phục vụ theo thiết kế cho khoảng 37.086 hộ, thực tế đạt 25.700 hộ, tương đương khoảng 105.370 người.

Đánh giá theo các tiêu chí của Bộ chỉ số theo dõi đánh giá nước sạch nông thôn tại Quyết định số 4826/QĐ-BNN-TCTL ngày 07/12/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tổng số 676 công trình, có 326 công trình hoạt động bền vững, chiếm tỉ lệ 48,22%; 114 công trình hoạt động tương đối bền vững, chiếm tỉ lệ 16,87%; 144 công trình hoạt động không bền vững, chiếm tỉ lệ 21,30%; 92 công trình không hoạt động chiếm tỉ lệ 13,61%.

Từ năm 2016 đến nay, các công trình nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh chủ yếu được đầu tư từ chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả”, theo Văn kiện chương trình giao thực hiện hợp phần cấp nước nông thôn là 149.666 triệu đồng. Theo đó, NCERWASS Bắc Kạn được giao làm chủ đầu tư thực hiện hoàn thành 32 công trình với tổng kinh phí đã thực hiện 135.849 triệu đồng, số hộ hưởng lợi: 11.621 hộ, tương đương khoảng 50.000 người sử dụng.

Trong đó, 676 công trình trên, có 454 công trình sử dụng trên 60% công suất thiết kế, chiếm 67,16%; 130 công trình sử dụng từ 20 đến dưới 59% công suất thiết kế, chiếm 19,23%; 92 công trình không hoạt động. Qua đánh giá các công trình hoạt động tốt, do có sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác quản lý vận hành, có thành lập tổ quản lý, có thu tiền sử dụng nước nên các hoạt động của công trình nước sinh hoạt được duy trì.

Hiện nay, 32 công trình đã hoàn thành cơ bản hoạt động hiệu quả, các công trình đã thành lập tổ quản lý khai thác vận hành và thu phí sử dụng. Các công trình trên, được thực hiện từ nguồn vốn chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả”, nên phải đảm bảo thực hiện theo các tiêu chí của chương trình, do đó tính bền vững của những công trình được đảm bảo hơn so với những công trình đầu tư từ năm 2016 trở về trước.

Theo báo cáo NCERWASS Bắc Kạn, tỉ lệ hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh trên địa bàn đạt 98,5%, hộ gia đình sử dụng nước sạch đáp ứng Quy chuẩn Việt Nam đạt 42,36% và 98,59% hộ nghèo được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Nhiều công trình không hiệu quả, cần chú trọng hơn

Ngoài ra, theo báo cáo NCERWASS Bắc Kạn, phần lớn các công trình hoạt động không hiệu quả hoặc không hoạt động, có nhiều nguyên nhân. Về khách quan: Đa số các công trình nước sinh hoạt tập trung nằm tại vùng sâu, vùng xa, trình độ nhận thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, ý thức bảo vệ và bảo quản công trình chưa cao, còn để xảy ra tình trạng phá hoại cơ sở vật chất. Đời sống người dân vùng sâu, vùng xa còn khó khăn nên việc vận động người dân nộp tiền nước rất khó khăn. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hiện trạng rừng đầu nguồn và thảm phủ thực vật bị suy giảm, nhiều công trình nước tự chảy bị khô cạn.

Ông Đinh Quang Tuyên - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Kạn (thứ 2 từ trái sang) kiểm tra quy trình xử lý nước sạch một công trình trên bàn tỉnh.

Về nguyên nhân chủ quan: Cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác chỉ đạo quản lý, vận hành khi các công trình hoàn thành đưa vào sử dụng cũng như việc đầu tư sửa chữa khi các công trình xuống cấp; việc tuyên truyền, vận động nhân dân bảo quản, duy tu, bảo dưỡng và sử dụng các công trình còn hạn chế. Một số công trình đầu tư không đồng bộ do hạn chế nguồn vốn (Chương trình 134,135), nhiều công trình xây dựng đã lâu nay đã xuống cấp.

Công tác phối hợp giữa chủ đầu tư với chính quyền địa phương chưa chặt chẽ trong việc lấy ý kiến nhân dân, khảo sát nhu cầu, địa điểm xây dựng cũng như trong quá trình tiến hành xây dựng, bàn giao công trình, vận hành, đưa vào sử dụng.

Qua đó, NCERWASS Bắc Kạn mong muốn, các cấp chính quyền quản lý chú trọng hơn đến các công trình sau đầu tư, đặc biệt quan tâm đến mô hình và cơ chế quản lý các công trình cấp nước tập trung. Các công trình sau khi xây dựng xong phải xây dựng quy trình vận hành, có quy định rõ thời gian, trình tự và các nội dung bảo trì bảo dưỡng, sửa chữa và thay thế thiết bị trong hệ thống công trình.

Hàng năm bố trí nguồn kinh phí để sửa chữa, nâng cấp các công trình nước sạch nông thôn tập trung hư hỏng để đảm bảo khả năng cấp nước. Đồng thời, UBND tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo UBND các huyện, xã có công trình cấp nước tập trung quan tâm đến quản lý vận hành sau đầu tư, thành lập tổ quản lý vận hành khai thác, tiến hành thu phí sử dụng để duy trì Tổ quản lý và có kinh phí duy tu bảo dưỡng.

about-star
about-star