CÁC GIẢI PHÁP GIẢM THIỂU Ô NHIỄM CHẤT LƯỢNG NƯỚC TRONG HỆ THỐNG THỦY LỢI BẮC NAM HÀ

Hệ thống thủy lợi (HTTL) Bắc Nam Hà được bao bọc bởi 4 con sông lớn : sông Hồng, sông Đào, sông Đáy và sông Châu Giang. Diện tích tự nhiên của toàn hệ thống khoảng 100.261ha bao gồm 4 huyện thị của tỉnh Nam Định là thành phố Nam Định, huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên, 4 huyện thị của tỉnh Hà Nam là thành phố Phủ Lý, huyện Thanh Liêm, Bình Lục, Lý Nhân. Cao độ mặt ruộng thay đổi từ +0,75m đến 1,50m. Các vùng trũng thuộc các huyện Bình Lục, Ý Yên, Vụ Bản và Mỹ Lộc. Một số nơi có đồi núi cao thuộc các huyện Vụ Bản, Thanh Liêm, Ý Yên. Các công trình tưới của hệ thống hiện nay đảm nhiệm tưới cho 47.000ha, vụ mùa khoảng 46.000 – 46.500ha, vụ đông 13.000 – 15.000 ha bao gồm các công trình tưới : Cốc Thành, Cổ Đam, Hữu Bị, Như Trác, Nhâm Tràng. Tiêu nước với diện tích tiêu mặt bằng khoảng 85.326 ha bao gồm 7 vùng tiêu : Như Trác, Hữu Bị, Cốc Thành, Cổ Đam, Vĩnh Trị, Nhâm Tràng và Bắc Lý Nhân. 

Cấp nước: HTTL Bắc Nam Hà chia thành 5 lưu vực: Trạm bơm Như Trác: Tưới cho 19.435ha của các huyện Lý Nhân, một phần Thanh Liêm (do trạm bơm Triệu Xá tưới), thành phố Phủ Lý (hơn 300ha) và khoảng 5.850ha của huyện Bình Lục. Trạm bơm Hữu Bị: Tưới cho 8.512ha của huyện Mỹ Lộc, phần còn lại của huyện Bình Lục và thành phố Nam Định. Trạm bơm Cốc Thành: Tưới cho hơn 13.436ha của huyện Vụ Bản, thành phố Nam Định và 8 xã khu vực phía Đông Nam của huyện Ý Yên. Trạm bơm Cổ Đam tưới cho hơn 9.431ha của huyện Ý Yên. Trạm bơm Nhâm Tràng tưới cho gần 7.511ha của huyện Thanh Liêm và phần còn lại của huyện Ý Yên.

Thoát nước: HTTL Bắc Nam Hà được tiêu bằng động lực, qua 8 đầu mối chính là Như Trác, Hữu Bị, Nhân Hòa (ra sông Hồng); Cốc Thành (ra sông Đào- Nam Định); Nhâm Tràng, Cổ Đam, Vĩnh Trị 1, Vĩnh Trị 2 (ra sông Đáy). Ngoài ra còn một số đầu mối trạm bơm mới được bổ sung để nâng cao hệ số tiêu, bao gồm: trạm bơm Quán Chuột, Sông Chanh, Kinh Thanh, Quỹ Độ, Yên Bằng, Yên Quang, Quang Trung, Đinh Xá, Triệu Xá…Hệ thống với các đầu mối nêu trên là một hệ thống liên hoàn, khi tiêu có thể hỗ trợ lẫn nhau; hoặc có thể tách rời thành từng khu tiêu độc lập bằng các công trình điều tiết trên các trục tiêu chính. Với các công trình đầu mối đã xây dựng, trong nội đồng hầu hết là tiêu tự chảy ra các kênh trục. Tuy nhiên, có một số khu vực cục bộ cần có trạm bơm cấp 2 (do địa hình quá trũng) để bơm ra kênh trục.

Hiện trạng cấp, thoát nước:

Cấp nước: Hệ số tưới chưa đáp ứng yêu cầu thực tế sản xuất. Các hệ thống kênh đều thiết kế với chỉ tiêu thấp, hệ số tưới thực tế mới đạt q=0,81 l/s.ha. Tuy công trình đầu mối đủ năng lực tưới thiết kế nhưng phía cuối kênh do địa hình cao, kênh mương bồi lắng nhiều nên tình trạng hạn thường xảy ra, việc tưới khu vực này được thực hiện chủ yếu bằng các trạm bơm nhỏ nội đồng, lấy nước từ các trục kênh tiêu nên việc lấy nước rất khó khăn.

Thoát nước: Sau quy hoạch 1995 hệ số tiêu nâng từ 2,9 l/s.ha lên 4,1 l/s.ha song thực tế mới đạt được 3,5 l/s.ha nên hiệu quả tiêu còn thấp, với tình trạng thiết bị xuống cấp như hiện nay, trong điều kiện thời tiết bình thường với lượng mưa một ngày max 167,3mm, 3 ngày max 304,7mm, 5 ngày max 371,9mm cũng khó duy trì đủ số máy bơm vận hành (khi lượng mưa trong toàn khu vực 100mm, hệ thống phải bơm tiêu mất 3,7 ngày). Mặc dù công suất của các trạm bơm đầu mối đảm bảo khả năng tiêu thoát lũ kịp thời cho hệ thống nhưng các hệ trục kênh tiêu dài, nhiều ách tắc, mặt cắt bị bồi lắng, nhiều đoạn bị thu hẹp, hệ thống tiêu nội đồng không hoàn chỉnh đã làm giảm khả năng tiêu thoát của hệ thống. Thường xuyên xảy ra tình trạng úng ngập khi có mưa lớn xảy ra.

about-star
about-star